Võ Anh Tuấn 24/10/2013 1139 0
Kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc, tự hào về sự lãnh đạo sáng tạo, sáng suốt, tài tình, vĩ đại của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919 – 1930, không cam chịu sống nô lệ dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, với tinh thần dân tộc, dân chủ, chống đế quốc và chống phong kiến, tầng lớp trí thức tiểu tư sản, giai cấp tư sản yêu nước Việt Nam đã bước lên vũ đài chính trị với một phong trào yêu nước sôi nổi, rộng lớn, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia với những hình thức đấu tranh phong phú; phong trào bồi đắp thêm cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam nhưng do hạn chế về giai cấp, đường lối đấu tranh cách mạng nên phong trào yêu nước đã không thành công, và từ đó giúp cho những người yêu nước Việt Nam hướng đến một con đường mới, tiếp thu lý luận giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản, làm cho phong trào yêu nước trở thành một trong những điều kiện dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930.
Từ khi Đảng ta thành lập, Đảng đã dẫn dắt nhân dân ta đấu tranh bằng những cao trào rộng lớn: cao trào chống đế quốc phong kiến những năm 1930 – 1931, đỉnh cao là sự xuất hiện và tồn tại của các Xô viết ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; rồi phong trào dân chủ 1936 – 1939, là một phong trào diễn ra trên qui mô rộng lớn, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia, buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ; rồi phong trào giải phóng dân tộc 1939 – 1945 với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, là Mặt trận đoàn kết dân tộc Việt Nam, là hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
Trước tình hình phát triển của cách mạng Việt Nam, năm 1941 Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội đã nhất trí tán thành quyết định tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ngay sau đó, Hồ Chủ tịch đã gửi thư tới đồng bào cả nước kêu gọi nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền ''...Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”. Đáp lời kêu gọi của Bác, toàn dân tộc Việt Nam đã đứng lên tổng khởi nghĩa thắng lợi giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên Cách mạng Tháng Tám, một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra đời. Tuyên ngôn đã khẳng định quyền độc lập tự do là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm mà mọi dân tộc phải được hưởng trong đó có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do; khẳng định dân ta đã đánh đổ các xiềng xích của thực dân phong kiến mà lập nên chế độ dân chủ cộng hoà và khẳng định ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam quyết giữ nền độc lập, tự do vừa giành được.
Tình hình thời cuộc từ ngày 16/08 đến 31/08/1945 chuyển biến mau lẹ, thời cơ ngàn năm có một để giành chính quyền đã đến, vừa lãnh đạo nổi dậy giành độc lập, tự do vừa lãnh đạo đánh Pháp, Nhật nhưng Bác vẫn soạn thảo ra được Bản Tuyên ngôn Độc lập trong một thời gian cực kỳ ngắn. Bác đã nghiên cứu bằng tiếng Anh và tiếng Pháp bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 của Pháp để từ đó chắt lọc những phần nội dung cốt lõi để đưa vào trong bản Tuyên ngôn Độc lập, một văn bản chính luận hiện đại với hệ thống lý lẽ đanh thép và hệ thống dẫn chứng hùng hồn không thể chối cãi. Bản Tuyên ngôn là kết quả của cả một quá trình trăn trở, suy ngẫm trong hành trình tìm đường cứu nước của Bác, là kết quả của thực tiễn lãnh đạo tài tình đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi của Bác. Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện sự sáng suốt, nhạy bén và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, khả năng dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là kết quả của bao suy nghĩ trăn trở, và hơn cả là của một tấm lòng luôn luôn hướng về đất nước, về nhân dân. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc luôn gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân như Bác đã từng nói "...nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì".
Cách mạng tháng Tám, Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã diễn ra cách đây 68 năm nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn vang vọng mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
21/11/2024 108 0
12/11/2024 179 0
05/11/2024 177 0
20/06/2024 930 0
19/06/2024 950 0
24/09/2020 3355 0
29/03/2021 2894 0
18/05/2020 2711 0
20/04/2020 2419 0
16/06/2020 2344 0