Những Nhà máy thủy điện nửa đầu thế kỷ XX tại Việt Nam

Ông Nguyễn Quang Hiền , nguyên PGĐ Công ty Điện lực Gia Lai   03/01/2023   10265   0

Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng trong nước đều viết: nhà máy thủy điện đầu tiên của nước ta và của cả Đông Dương, là nhà máy thủy điện Suối Vàng (Ankroet) của Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng; một nhà máy do người Pháp khởi công xây dựng từ tháng 10-1942 và phát điện năm 1945 để cung cấp điện cho Đà Lạt bằng đường dây 13,2 kV (đến giai đoạn 1957 chuyển sang cấp 31,5 kV khi nâng công suất nhà máy). Tuy nhiên, qua tài liệu lưu trữ chúng tôi nhận thấy có nhiều nhà máy thủy điện khác được xây dựng sớm hơn với công suất phát điện không phải là quá nhỏ và cũng có đường dây để chuyển dòng điện đi xa, có trường hợp vài chục cây số cách nhà máy, trong đó có thể kể đến nhà máy thủy điện của mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam), nhà máy thủy điện Tà Sa của mỏ Tĩnh Túc (Cao Bằng)… Qua đó, nhà máy thủy điện của mỏ vàng Bồng Miêu mới là nhà máy thủy điện đầu tiên của Quảng Nam và của cả nước (vì không có quy định về mức công suất nào mới được xem xét). Ngay cả về mức công suất thì nhà máy thủy điện Tà Sa là nhà máy xuất hiện sớm hơn với công suất tương tự nhà máy thủy điện Suối Vàng Ankroet ở giai đoạn đầu (Tà Sa năm 1917-1918, so với Ankroet năm 1942-1945). Còn nếu tính theo các nhà máy thủy điện cung cấp điện vào lưới công cộng thì trong 4 nhà máy Cát-cát (Sa-pa), Ea Nao (Buôn Ma Thuột), Ankroet (Đà Lạt) và Bàu Cạn (Pleiku) ta thấy các nhà máy thủy điện Cát-Cát và Ea Nao tuy nhỏ nhưng là những nhà máy thủy điện cung cấp cho lưới điện công cộng sớm hơn (Cát-cát năm 1930, Ea Nao năm 1934, so với Ankroet năm 1945). Cuối cùng, kể về độ bền thiết bị thì tua-bin + máy phát của nhà máy thủy điện Bàu Cạn là bền nhất, trên 72 năm vẫn còn đang vận hành.

Sau khi xâm chiếm nước ta, một mặt người Pháp đã kế thừa những thông tin về tài nguyên mỏ trong cả nước, mặt khác từ tháng 5-1876 các phái đoàn điạ chất và kỹ sư mỏ được chính quyền Pháp cử đi khắp nơi, chủ yếu là Bắc kỳ và Trung kỳ, với mục đích khảo sát, thăm dò, tìm kiếm tài nguyên mỏ để phát triển một nền công nghiệp cần đến than, chất đốt và các dạng kim loại thường cũng như quý hiếm1 … ([1] Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1918, tr. 107.)

Thông thường giai đoạn khai thác đầu tiên tại các mỏ là thủ công, nhưng bên cạnh một số mỏ nằm nơi thượng du, miền núi thường có nguồn thủy năng từ các dòng sông, con suối đầu nguồn. Điều này dẫn đến việc các nhà tư bản thực dân không chỉ xin cấp nhượng địa mỏ để khai thác, họ còn xin cấp nhượng địa cửa nhận nước và quyền được xây dựng các công trình trên và bên cạnh dòng chảy để làm đập ngăn nước và xây dựng nhà máy thủy điện nhằm sử dụng điện năng tại các công trình khai thác mỏ. Với những nhượng địa mỏ cần khai thác nhưng ở xa nguồn thủy điện, ngoài đường dây hạ thế ngắn đủ dùng tại chỗ, họ còn xin cấp quyền để xây dựng đường dây điện cao thế.

Do tầm quan trọng của tài nguyên mỏ và sự cần thiết của nguồn dẫn động các máy móc thiết bị dùng trong khai thác mỏ nên ngoài việc chính phủ Pháp ban hành Công ước Pháp – Việt về mỏ, Quy chế về mỏ; họ còn bàn hành những văn bản hành chính, pháp lý về việc khảo sát, sử dụng nguồn “than trắng” để xây dựng các nhà máy thủy điện.

Khởi đầu từ năm 1912 Toàn quyền Đông Dương gửi thông tri số 72c về “Khảo sát những nguồn than trắng” như sau:

  “Hà Nội, ngày 20-5-1912

   Toàn quyền Đông Dương gửi ông Thống đốc Nam kỳ và quý ông Khâm sứ, Thống sứ.

   Để có một hiểu biết về những nguồn “than trắng” có thể được sử dụng tại Đông Dương, tôi đã quyết định cho tiến hành tại mỗi tỉnh một cuộc khảo sát về chủ đề này.

   Cuộc khảo sát này phải được thực hiện bởi quan cai trị chủ tỉnh hỗ trợ người chỉ huy công việc này của tỉnh. Nó phải mang những thông tin chủ yếu sau đây:

1- Liệu có trong tỉnh những dòng nước mà thủy lực có thể thu nhận được?

2- Cung cấp bản vẽ chỉ rõ vị trí khả thi của các công trình thu năng lượng.

3- Giá trị nguồn năng lượng có thể sủ dụng được ra sao?

A-Chiều cao của thác nước.

B-Lưu lượng khi nước thấp, khi nước cao, thời gian của 2 giai đoạn này, những điều kiện thay đổi lưu lượng.

C-Dung tích của hồ chứa tự nhiên hoặc hồ chứa nhân tạo bằng đập chắn.

4- Điều kiện để xây dựng nhà máy, đập chắn (kích thước, đất nền móng, v.v.) đánh giá sơ bộ về chi phí có thể để xây dựng những công trình này.

5- Điều kiện có thể sử dụng những nguồn thủy lực thu được,những nhà máy, những xí nghiệp nông nghiệp hoặc công kỹ nghệ, v.v.

Tôi mong muốn quý ông sau khi tiến hành thực hiện xong cuộc khảo sát này gửi đến tôi những kết quả ngay khi quý ông được biết về chúng”.

     Tại Trung kỳ, Khâm sứ Mahé gửi thông tri số 58c về “Khảo sát những nguồn than trắng” đính kèm thông tri số 72c nói trên:

  “Huế, ngày 7 – 6 – 1912

   Khâm sứ Annam gửi quý ông Công sứ, các chủ tỉnh tại Annam và ông Đốc lý Tourane.

   Thưa quý ông,

   Tôi hân hạnh chuyển đến quý ông kèm theo thư này bản sao thông tri số 72c, đề ngày 20-5-1912, của ngài Toàn quyền, hướng dẫn thực hiện cuộc khảo sát ở mỗi tỉnh để có thông tin, hiểu biết về nguồn “than trắng” có thể sử dụng tại Đông Dương.

   Tôi yêu cầu quý ông chuyển đến tôi sớm nhất có thể những thông tin mà quý ông có thể thu thập được về vấn đề này để cho phép tôi gửi chúng không chậm trễ đến ngài Toàn quyền.

1. Đã ký: Mah锲. (² Bulletin administratif de l’Annam – 1912 – No157, tr. 361.)

     Chúng ta thấy, việc khảo sát để sử dụng các nguồn thủy năng không chỉ trong phạm vi nước ta mà còn cả các xứ của Đông Dương thuộc Pháp nữa.

     Các báo và tạp chí của Pháp đã ghi nhận các nhà máy thủy điện của nước ta theo thứ tự thời gian xây dựng như sau: 1- Nhà máy thủy điện của mỏ vàng Bồng Miêu Quảng Nam (1910); 2) Nhà máy thủy điện Tà Sa (1917-1918); 3) Nhà máy thủy điện Bản Mân của mỏ vàng Bảo Lạc (1927-1929); 4) Nhà máy thủy điện Bản-thi Quảng Yên (1928-1929); 5) Nhà máy thủy điện Cát-cát Sa-pa (1929-1930); 6) Nhà máy thủy điện Ea Nao Buôn Ma Thuột (1932-1933); 7) Nhà máy thủy điện Nà Ngần (1933); 8)Nhà máy thủy điện Suối Vàng Ankroet Đà Lạt (1942-1945); 9) Nhà máy thủy điện Bàu Cạn Pleiku (1949-1950).

     Dưới đây là trích dẫn một số thông tin liên quan đến các nhà máy đầu tiên của nửa đầu thế kỷ XX nêu trên, trong số đó có nhà máy thủy điện của mỏ vàng Bồng Miêu đã sử dụng nguồn thủy năng của Sông Vàng ngay từ năm đầu thế kỷ XX, tức 1901-1902, trước cả thời điểm có thông tri số 72c của Toàn quyền Đông Dương và thông tri số 58c của Khâm sứ Trung kỳ Mahé về khảo sát nguồn than trắng:

     1) Nhà máy thủy điện của mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam) năm 1910:

         Xuất phát từ nhu cầu khai thác mỏ: cần lực dẫn động để vận hành các chày giã tán nhỏ, máy nghiền quặng, tời nâng hạ quặng, máy nén khí v.v. ngay từ năm 1901-1902, công ty “Société des Mines de Bong-Miû” (thành lập năm 1897) xây đập chắn ở thượng nguồn của thác nước cao khoảng 60 mét trên Sông Vàng (Rivière d’Or) và dẫn nước về qua đường ống thép đường kính 0,5 mét đến một tua-bin có bánh xe công tác Pelton để cung cấp cho nhà máy một lực dẫn động khoảng 50 CV (cheval-vapeur, mã lực). Tua bin này dùng để vận hành nhà máy nghiền nằm ở hạ lưu Sông Vàng và cũng để thực hiện việc điện phân, ngoài ra còn cấp điện chiếu sáng. Sau năm 1906, công ty kế tục công ty nói trên “Société nouvelle des Mines de Bong-Miû” đã thay thế tua-bin bánh xe Pelton bằng tua-bin trục ngang Neyret-Grenier, công suất đạt khoảng 150 CV. Nhà máy thủy điện lúc này gồm 2 máy phát điện áp 550 V và đưa điện đến các nơi sử dụng trong khu vực mỏ bằng đường dây điện trên không dài tổng cộng 1.850 mét, dây dẫn nhôm đường kính 35 mm (tức dây A35 hiện nay). Các báo chí Pháp đều ghi nhận nhà máy thủy điện Bồng Miêu với quy mô này được hoàn thiện năm 1910³. (3 Bulletin administratif de l’Annam  31-10-1932  tr.1440-1442.)

        Đến ngày 17-8-1932, Công ty Khai thác Mỏ và Nông nghiệp Đông Dương (SIEMA, Société Indochinoise Exploitation Minière et Agricole) căn cứ vào yêu cầu khai thác và xử lý quặng tại mỏ đã nâng công suất thủy điện và lắp đặt bổ sung thêm máy phát điện diesel để dự phòng sử dụng trong mùa khô nên sau năm 1933 công suất nhà máy là 650 kW3 (báo khác viết: đạt công suất 1.100 CV4 (4 Bulletin économique de l’Indochine,  01-11-1933  tr. 1164)).

     2) Nhà máy thủy điện Tà Sa mỏ Tĩnh Túc (Cao Bằng) năm 1917-1918:

         Báo cáo tại phiên họp Phủ Toàn quyền Đông Dương năm 1918 ghi: “Ở thời điểm hiện tại, nhà máy thủy điện xây dựng tại Tà Sa bởi Công ty Thiếc và Vôn-fam Bắc Kỳ “Société des Étains et Wolfram du Tonkin” được báo cáo là đã vận hành và dòng điện đã dùng cho những mỏ Saint-Alexandre và Sainte-Adèle, để rửa quặng, phân tách điện-từ, những tời nâng hạ trong trích xuất quặng v.v”5 (5 Rapports au Conseil de gouvernement/ Gouvernement général de l’Indo-chine -1918, tr. 218.).

       “Nhà máy thủy điện Tà Sa được xây dựng tại km34 trên đường từ Cao Bằng đi Nguyên Bình, theo đường bộ đi vào thêm 25 km và cách 20 km theo tuyến dây truyền dẫn điện đến công trường mỏ Saint Alexandre. Công ty chủ sở hữu mỏ đã sử dụng thác nước cao 62 mét trên sông Nguyên Bình có lưu lượng vào mùa khô khoảng 1.500-2.500 lít/giây (tương ứng với công suất tối thiểu 1.000 CV). Phần đập ngăn bằng bê tông xi măng cao 4m, trên đó xây một cầu bê tông của con đường mới từ Cao Bằng đi Nguyên Bình, giữ nước và chuyển nước vào 1 kênh dài 1.500 mét bằng đá xây (ở vùng đất bùn). Với 100 mét kênh dẫn là đường tuy-nen ngầm. Giai đoạn đầu một đường ống áp lực bằng thép cuốn dài 125 mét với đường kính trong 650 mm. Dự kiến một đường ống áp lực thứ 2 sẽ được lắp đặt.

     Nhà máy thủy điện Tà Sa dự kiến gồm có 5 cụm máy phát turbo loại 250 HP. Hiện tại đã lắp đặt 2 cụm máy (Cụm thứ 3 sắp lắp đặt). Những máy phát cung cấp điện 3 pha, 50 chu kỳ, điện áp 440 V. Những máy biến áp nâng tại nhà máy sẽ nâng lên điện áp 10 kV để chuyển đến mỏ Thiên Túc và đến mỏ Saint Alexandre, sau đó các trạm hạ áp sẽ hạ xuống 110 V (báo khác ghi là 220V6? (6 Bulletin économique de l'Indochine. 1937.  tr. 52.) - Đối chiếu các bài viết thì 110 V là đúng). Đường dây điện dài khoảng 20 km bằng nhôm được đỡ bằng các cột bê tông cao 10m với khoảng cách cột là 100 mét”7. (7 La dépêche coloniale illustrée – 1918  tr. 34.)

   3) Nhà máy thủy điện Bản Mân (Hà Giang) năm 1927-1929:

       Ngày 20-5-1926, Tạp chí L’Indochine: revue économique d’Extrême-Orient đăng ở mục “Công báo: ”ông kỹ sư mỏ Édouard Vincenti đã thay mặt Công ty  mỏ Bản Mân (Société des mines Ban-Man) nộp đơn xin cấp nhượng địa để xây dựng nhà máy thủy điện trên sông Neo với dự án lắp đặt 3 tua-bin và máy phát mỗi cụm 600 CV”8 (8 L’Indochine: revue économique d’Extrême-Orient, 20-5-1926, À l’Officiel, tr. 154.). Tuy nhiên dự án chưa thực hiện thì công ty này tuyên bố giải thể.

     Sau khi Công ty Mỏ Bản Mân (Société des Mines de Ban-Man), một công ty khai thác phù sa chứa vàng ở vùng Thượng sông Năng, tuyên bố giải thể vào tháng 7-1926; Công ty Thiếc và Vôn-fam Bắc kỳ (Société des Étains et Wolfram du Tonkin) đã bảo trợ để thành lập Công ty mỏ vàng BảoLạc (Société des mines d’or de Bao-Lac) tiếp nối công việc. Ngày 09-7-1928, Công ty mỏ vàng Bảo Lạc được Thống sứ Bắc kỳ ký nghị định số 1111 thuận cấp cho công ty một nhượng địa cửa nhận nước trên sông Neo (Niao) với thời hạn 75 năm9 (9   Bulletin administratif du Tonkin. 1928   tr. 2487-2488.). Thực tế, công việc chuẩn bị xây dựng các công trình để sử dụng nguồn thủy năng có công suất 1.000 CV đã được tiến hành từ tháng 07-192710 (10 L'Éveil économique de l'Indochine : bulletin hebdomadaire / 31-7-1927  tr 14.). Do đó, còn gọi là nhà máy thủy điện của mỏ vàng Bảo Lạc.

     Đến năm 1929, tạp chí Bulletin économique de l‘Indochine -1929 ghi nhận: “Một nhà máy thủy điện công suất 1.000 CV (2 tổ máy loại 500 CV) đã được lắp đặt trên sông Neo cùng với 20 km đường dây điện cao thế 15.000 V để cấp điện cho việc khai thác và xử lý khối lượng khoảng 1.500 m³ phù sa chứa vàng trong 1 ngày (24 giờ) tại bản Pac-Nam trên sông Năng”11 (11 Bulletin économique de l'Indochine. 1929. tr.894.). Dự kiến mỗi năm sẽ khai thác được khoảng 350 kg vàng.

   4) Nhà máy thủy điện Bản Thi (Quảng Yên) năm 1928-1929:

       Tuần báo “L'Éveil économique de l'Indochine” số ra ngày 17-07-1927 đăng tin: Công ty mỏ và luyện kim Đông Dương (La Compagnie Minière et Métallurgique de l’Indochine) thành lập ngày 05-3-1919, vốn gốc 1.600.000 F, thiết lập nhà máy ở Quảng Yên…đã xây dựng nhà máy thủy điện 200 CV tại Bản-thi để vận hành các xưởng, đặc biệt là xưởng mới để xử lý những quặng nghèo vừa đưa vào hoạt động. Ngoài ra công ty đã khảo sát những thác trên sông Năng tại Deo-Dan, rất có thể cung cấp được 10 -12.000 CV với mục đích thiết lập một nhà máy xử lý quặng nghèo bằng công nghệ nhiệt-điện”12. (12 L'Éveil économique de l'Indochine : bulletin hebdomadaire / 17-7-1927  tr 15.)

     Đến năm 1929, tạp chí Kinh tế Đông Dương “Bulletin économique de l‘Indochine” - 1929, cho biết “Cho đến nay nguồn điện cung cấp bởi nhà máy thủy điện 200 kW (thác nước cao 22m) không còn đủ nữa; việc xây dựng một trung tâm nhiệt điện (nồi sốt-de Fives-Lille) công suất 100 kW đã được bắt đầu từ năm 1928 tại Bản-thi”13 (13 Bulletin économique de l'Indochine. 1929 tr.866.). Tuy các báo ghi không thống nhất về đơn vị công suất, tuần báo nêu trước viết 200 CV, tạp chí này viết 200 kW nhưng nhà máy thủy điện tại Bản Thi Quảng Yên đã thực sự được xây dựng và hoạt động.

   5) Nhà máy thủy điện Cát-cát (Sa-pa - Lào Cai) năm 1929-1930:

       Khởi đầu từ năm 1927, dự án về nhà máy thủy điện 70 kW tại Sa-pa nhằm sử dụng thác nước 30 mét trên khe núi Mường Bò đã được lập và hồ sơ mời thấu thi công, cung cấp thiết bị cho nhà máy cũng đã được lập, các công trình đã được khởi động14. (14 Rapports au Conseil de gouvernement/ Gouvernement général de l’Indo-chine -1927, tr. 177)

     Báo cáo tại phiên họp phủ Toàn quyền Đông Dương 1929 ghi: “Hai giao kèo (hợp đồng) đã được duyệt ngày 08-2-1929 để: 1- Xây dựng và lắp đặt thiết bị một nhà máy thủy điện tại Sa-pa; 2- Xây dựng một mạng lưới phân phối điện tại Sa-pa.”15 (15 Rapports au Conseil de gouvernement/ Gouvernement général de l’Indo-chine -1929, tr. 172.). Khởi công năm 1929 và các công việc hoàn thành tháng 7-193016.( 16 Rapports au Conseil de gouvernement/ Gouvernement général de l’Indo-chine -1930, tr.644)

     Ông Marguet, Trưởng phân chi khu Công chính Lào Cai, chịu trách nhiệm khai thác, quản lý công quản nhà máy thủy điện Sa-pa. Ông ta đảm nhiệm bộ phận kỹ thuật và kinh doanh khai thác; ông cũng là người quản lý về kế toán17.( 17 Bulletin économique de l'Indochine. 1934 tr.1182.)

    Do nhà máy thủy điện Cát-cát (Cascade, Thác nước) cung cấp điện sinh hoạt vào lưới công cộng cho khu vực Sa-pa nên sản lượng điện của nó được đưa vào báo cáo thống kê điện sản xuất và tiêu thụ toàn Đông Dương năm 1937, không như các nhà máy thủy điện khác chỉ cung cấp điện cho nhu cầu khai thác mỏ, xử lý quặng và chiếu sáng cho nội bộ của công ty chủ đầu tư18. ( 18 L’énergie électrique en l’Indochine – Production et consommation en 1937, tr. 1/3)

    Hiện nay, tuy nhà máy thủy điện này không còn hoạt động nữa nhưng du khách đến Sa-pa được biết đến nó với tên “nhà máy thủy điện Cát-cát” và khu vực có nhà máy thủy điện này cũng được gọi là bản Cát Cát.

    6) Nhà máy thủy điện Ea Nao (Buôn Ma Thuột) năm 1932-1933:

        Ông R.C. Bourgery, nguyên là kỹ sư điện và là tỷ phú Pháp sinh sống tại Đà Lạt; Ông Bourgery đã từng là chủ khu biệt thự “Domaine Bourgery” mà sau này vua Bảo Đại mua lại vào năm 1949, nay gọi là Dinh 1. Con đường dẫn đến khu nhà này được mang tên Bourgery từ tháng 11-193119 (19 Bulletin administratif de l’Annam, 23-11-1932 – Dénomination des rues et places de la ville Dalat). Tạp chí Quản lý hành chính Trung kỳ (Bulletin Administratif de l’Annam) thông báo: Ngày 13-7-1932 ông Bourgery được cấp quyền sử dụng thác nước của Ea Nao (Darlac, tức Dak Lak hiện nay) tại km4 trên đường quốc lộ 21 đi Buôn Ma Thuột và nằm cách quốc lộ này 1 km để xây dựng nhà máy thủy điện, thời hạn cấp quyền là 50 năm kể từ ngày ký nghị định; thời gian xây dựng dự kiến kéo dài 2 năm20 (20 Bulletin administratif de l’Annam, 17-8-1932 – Concession prise d’eau sur la rivière Ea Nao (Darlac)).

     Qua năm 1933 báo chí Pháp đưa tin: Cách trung tâm thị tứ Buôn Ma Thuột 6km, ông Bourgery quyết định ngăn một thác nước để làm thủy điện. Đập ngăn dài 60 mét, rộng 8 mét xây bằng đá hộc khai thác tại chỗ, từ cửa nhận nước một kênh dẫn dài 900 mét chạy dọc theo con đường làm để phục vụ công trình thủy điện này, cuối cùng là đường ống áp lực bằng thép đưa nước vào tua-bin dưới cột áp 20 mét. Lưu lượng nước có thể từ 500-600 lít/giây, dự kiến ban đầu đặt 2 cụm máy phát 50 KVA, đưa điện ra bằng cáp ngầm 6 kV rồi chuyển điện về BMT. Tại ngõ vào thành phố có một trạm biến áp hạ xuống 115/200 V dùng để chiếu sáng. Nghị định cấp đất để ông Bourgery lắp đặt đường cáp ngầm 6 kV cung cấp điện cho trung tâm thị tứ BMT ghi rõ: tuyến cáp ngầm dài 1.340 mét gồm 2 đoạn: 460 mét men theo đường số 2 nối dài (voie No2 prolongée) và 880 mét dọc theo quốc lộ 14; trạm biến áp nhận điện đặt tại giao lộ giữa quốc lộ 14 và đường mang tên “đường Nhà máy điện” (rue de l’Usine électrique)21 (21 L’Éveil économique de l”Indochine, 28-5-1933, tr. 5).

     Ngày 17-8-1934, công sứ Pháp tại Buôn Ma Thuột là Gerbinis, căn cứ hợp đồng ký với ông Bourgery để cung cấp điện cho chính quyền Darlac, đã ban hành quyết định số 21 quy định giá điện tại đồng hồ đo đếm điện (công tơ, compteur- mètre) như sau: 1) Thắp sáng và quạt giá 20 cents/ kWh (0$20/kWh); 2) Dùng để sưởi và động cơ điện giá 7 cents/kWh (0$07/kWh) (đến 01-5-1935 giảm còn 0$06/kWh). Ngoài ra thuê bao còn phải trả tiền thuê công tơ điện: 1) loại 3 pha 0$30/tháng; 2) loại 0-5A 0$50/tháng; 3) loại 5-10A 0$80/tháng; 4) loại >10A 1$00/tháng22 (22 Bulletin administratif de l’Annam, 30-8-1934, tr. 1469-1470).

     Vì nhà máy thủy điện này cấp điện cho lưới công cộng nên trong báo cáo năm 1937 về sản lượng điện và tiêu thụ điện toàn Đông Dương (L’énergie électrique en Indochine – Production et consommation en 1937) sản lượng điện của nhà máy Cát-cát Sa-pa và nhà máy Ea-Nao BMT là sản lượng thủy điện được đưa vào báo cáo cùng với toàn bộ sản lượng điện còn lại là từ các nhà máy nhiệt điện23 (23 L’énergie électrique en l’Indochine – Production et consommation en 1937, tr. 1/3 (đã dẫn).)

    7) Nhà máy thủy điện Nà Ngần năm 1933:

           Nghị định ngày 09-7-1928 cấp cho Công ty Thiếc và Vôn-fam Bắc kỳ (Société des Étains et Wolfram du Tonkin nhượng địa tạm thời cửa nhận nước trên sông Tà Sa để xây dựng nhà máy thủy điện mới Nà Ngần. Đến ngày 31-6-1933 Thống sứ Bắc kỳ nhiệm chức ký nghị định số 939 cho phép công ty này đưa vào vận hành nhà máy thủy điện Nà Ngần24 (24 Bulletin administratif du Tonkin, 1933, tr. 1736.). Năm 1935, Công ty này cũng đầu tư cả đường dây điện thoại để tiện việc điều hành giữa các nhà máy với các công trường khai thác mỏ.

          Đến năm 1937, do nhà máy thủy điện Tà Sa và Nà Ngần cùng một chủ đầu tư và cấp điện để khai thác các nhượng địa mỏ của cùng một công ty nên báo Pháp ghi chung tổng công suất của cả 2 nhà máy ở thời điểm này là 850 KVA, các máy phát có cấp điện áp đầu cực 440 V25 (25 Bulletin économique de l”Indochine, 1937, tr. 52).

   8) Nhà máy thủy điện Suối Vàng Ankroet (Đà Lạt) năm 1942-1945:  

        Mặc dù từ năm 1922, báo chí Pháp đã lên tiếng về việc Đà Lạt là nơi du lịch, nghỉ dưỡng vùng cao sở hữu nhiều thác nước nhưng điện thắp sáng vẫn chưa được lắp đặt đại trà do chỉ có nhà máy điện nhỏ chạy bằng dầu mazút – diesel (với chi phí vận chuyển rất đắt 60$/tấn) gây tiếng ồn và ô nhiễm khói xả có mùi khó chịu thải ra từ các máy phát điện; trong khi đó Tam Đảo của miền Bắc đã đi trước dù chỉ với cỗ máy 50 CV26! (26 L’Éveil économique de l’Indochine, 09-7-1922 -  L’Électricité au Langbiang, tr. 2.)

      “Đến năm 1925, báo chí Pháp lại đề nghị sử dụng thác Ankroet, thác nước được đại úy pháo binh Ducla phát hiện hồi tháng 4-1905, là nguồn thủy năng được ước tính từ 2.200 – 2.760 CV để lắp 2 tua-bin phát điện mỗi cái 1.100 CV và cái thứ 3 để vận hành luân phiên. Tuy nhiên mãi đến năm 1942 trong chuyến nghỉ mát tại Đà Lạt của Toàn quyền J.Decoux, ông đã đi thăm thác Ankroet, đi thực địa dự án thủy điện Đa Nhim khi quay về vùng Dran – Đèo Ngoạn Mục – Sông Pha. Toàn quyền Decoux đã quyết định xây dựng ngay lập tức nhà máy Ankroet, liền đó thông báo đấu thầu được đưa ra và công việc được bắt đầu từ tháng 9-1942 với dự kiến đầu năm 1944 Đà Lạt sẽ được hưởng nguồn thủy điện. Theo dự án, một đập xây cao 10 mét được làm ở thượng nguồn thác Ankroet bậc thứ nhất trên sông Da Dâng, nhà máy nằm ở hạ lưu của thác bậc thứ nhì cách đập chắn khoảng 2 km với 2 tua-bin hoạt động dưới cột áp 80 mét để cung cấp công suất khoảng 800 kW, đồng thời xây dựng đường dây cao thế để chuyển điện về Đà Lạt” (theo “France-Annam” 26-10-1942)27. (27 Le Nouvelliste d'Indochine, Hebd. pol. économ. littéraire, 01-11-1942, tr 2 (trích lại bài trên “France-Annam”)

)  

       Theo thiết kế ban đầu, đập của nhà máy dài 97 mét, cao 10 mét, dung tích hữu ích của hồ chứa khoảng 1 triệu m³, từ cửa nhận nước đường hầm tuy-nen dài 536 mét hình móng ngựa đường kính 1,65 mét với giếng điều áp chống thủy kích cuối đường hầm cao 44 mét đường kính 3,8 mét; đường ống áp lực bằng thép đường kính 1,3m dài 182 mét đưa nước xuống nhà máy. Ban đầu nhà máy được lắp đặt 2 máy phát điện công suất mỗi cái 300 kW (tua-bin nhãn hiệu Bell, máy phát điện hiệu C.E.M – Lehavre).

       Công suất của nhà máy thủy điện Ankroet được nâng thêm do nhu cầu sử dụng điện tại Đà Lạt tăng cao: 1) Năm 1955-1957 xây thêm đập chắn thứ nhì dài 161 m, cao 25 m đồng thời lắp thêm 2 cụm máy 1.250 kW (tua-bin Neyrpic và mát phát điện Alsthom) nâng công suất lên 3.100 kW; 2) Năm 1999 thay 1 máy cũ 300 kW thành 1 máy 1.600 kW, để nâng lên thành 4.400 kW (1x300 + 2x1.250 + 1x1.600); 3) Đến 2004 thay nốt máy 300 kW đầu tiên và nhà máy thành (1x1.600 + 2x1.400) kW để thực hiện tự động hóa, hiện đại hóa nhà máy. Đường dây đưa điện từ nhà máy về Đà lạt cũng được cải tạo theo công suất truyền dẫn điện: ban đầu là đường dây cấp điện áp 13,2 kV, đến năm 1957 khi công suất nhà máy tăng lên thêm với 2 máy 1.250 kW thì chuyển thành cấp điện áp 31,5 kV để cấp điện cho cả Đà Lạt lẫn vùng phụ cận28. (28 Các thông tin từ cán bộ kỹ thuật đang tham gia vận hành nhà máy Ankroet.)

    Trước đó, vào năm 1929 tại hạ lưu thác Cam Ly có một nhà máy thủy điện nhỏ (1 máy 155 CV và 1 máy 260 CV – Tuần báo Indochine hebdomadaire illustrée No28 1941) với đập nước cao 15 m do ông O’Neil tự thiết kế, nhưng cơn bão năm 1932 làm vỡ đập và trang thiết bị của nhà máy hư hỏng29! (29 Lưu Đình Tuân, Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944, Đà Lạt, tr.60)

   9) Nhà máy thủy điện Bàu Cạn (Pleiku) 1949-1950:

       Đồn điền trà Bàu Cạn Catecka có con suối Ia Puch chảy qua nên kể từ đại hội cổ đông thường kỳ ngày 30-9-1930 ông Jean Marie Choisnel, giám đốc sở trà Catecka, đã đề cập đến việc khảo sát địa chất thủy văn với mục đích khai thác nguồn thủy năng của con suối Ia Puch để cấp điện dùng sản xuất chế biến trà đồng thời thay thế các loại máy trong xưởng chế biến chạy bằng hơi nước30 (30 Catecka, Assemblée générale ordinaire du 30 Sept 1930, tr. 4.). “Khá lâu sau, bản vẽ thiết kế do công ty Jacques Bouchoux, France hoàn thành ngày 21-08-1949 (các máy biến áp được mua về và sử dụng vào mục đích cung cấp điện cho bơm nước tưới và chế biến trà cũng được sản xuất năm 1949). Việc thi công xây dựng nhà máy thủy điện được điều hành bởi kỹ sư điện người Pháp De Mabe, các cai máy (chef mécanicien), cai xây dựng, đa số thợ mộc, thợ nề được tuyển từ Đà Nẵng (Tourane) và một ít là người Bình Định, còn lại người Pháp thuê lao động đơn giản là người đồng bào thiểu số Jrai, Ba-na, Sê-Đăng. Đường ống thủy lực đường kính 800 mm bằng thép đen dày 5 ly được chế tạo tại chỗ với một bàn cuốn ống quay bằng lao động thủ công.

    Tháng 4 năm 1950 nhà máy thủy điện Bàu Cạn có chiều cao cột nước 37m, tuabin trục ngang công suất 250 CV, 1000 vòng/phút đi vào hoạt động ổn định, máy hoàn toàn tự động nhờ có bộ điều tốc tự động và bộ điều chỉnh điện áp tự động để luôn bảo đảm chất lượng điện năng đạt 50 Hz, 230V/400V với công suất định mức 172 kW. Bên cạnh đó, để đưa điện từ nhà máy thủy điện về xưởng chế biến trà và khu dân cư, người chủ Pháp đã xây dựng đường dây tải điện 15kV bằng các trụ bê tông vuông dài 10 mét có bậc trèo, các cột điện này được đúc tại chỗ trong năm 1950.

     Tại thời điểm 1950, do công suất sử dụng cho nhà máy chế biến trà và các xưởng chỉ ở mức 70 kW nên đầu năm 1951, ông Choisnel, giám đốc đồn điền Ia Puch của công ty trà CATECKA đã ký hợp đồng cung cấp điện cho chính quyền Pleiku. Đường dây đưa điện từ Bàu Cạn về Pleiku dài khoảng 12 km làm bằng cột gỗ cà chít, căm xe dài 10-12 mét với 3 sứ thủy tinh màu xanh và dây đồng trần 5 ly này khởi đi từ trạm biến điện sát xưởng chế biến trà Bàu Cạn đi theo hướng Tây Nam cắt qua làng B xã Gào băng rừng đưa điện về trung tâm thị xã Pleiku dừng lại tại một trạm biến áp 100 kVA, 15 kV/0,4 kV đặt ngay sau lưng Ty Công chánh Pleiku. Việc cung cấp điện vào lưới công cộng tại Pleiku kéo dài trong 10 năm, đến 1961 do đường dây đi qua vùng kém an ninh vả lại nhà máy đèn diesel Pleiku đã được tăng cường thêm máy phát điện nên 2 bên chấm dứt hợp đồng cung cấp điện cho thị xã Pleiku”31. (31.Nguyễn Quang Hiền, Pleiku Nhìn từ đồn điền chè Bàu Cạn,Tập san Thông tin tư liệu Bảo Tàng tỉnh Gia Lai, số 4-2022, tr. 84-91)

     Tuy phát điện từ năm 1950 bằng tua-bin sản xuất năm 1949 nhưng đến nay (2022) tua-bin này vẫn đang vận hành phát điện. Mặc dù trong quá trình hơn 70 năm vận hành, cụm máy đã trải qua một lần sự cố vượt tốc làm văng bánh đà gây chết người và 1 lần bị cháy máy phát điện phải quấn lại.

 Kết luận:

     Sau khi ghi lại những nét cơ bản về 9 nhà máy thủy điện được xây dựng trong nửa đầu thể kỷ XX trên toàn quốc, chúng ta nhận thấy trên thực tế nhà máy thủy điện của mỏ vàng Bồng Miêu mới là nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam (vì không có quy định về mức công suất nào mới được xem xét) ngay cả về mức công suất thì nhà máy thủy điện Tà Sa là nhà máy xuất hiện sớm hơn với công suất tương tự nhà máy thủy điện Suối Vàng Ankroet ở giai đoạn đầu (Tà Sa năm 1917-1918, so với Ankroet năm 1942-1945). Còn nếu tính theo các nhà máy thủy điện cung cấp điện vào lưới công cộng thì trong 4 nhà máy Cát-cát Sa-pa, Ea Nao Buôn Ma Thuột, Ankroet và Bàu Cạn Pleiku ta thấy các nhà máy Cát-Cát và Ea Nao tuy nhỏ nhưng là những nhà máy thủy điện cung cấp cho lưới điện công cộng sớm hơn (Cát-cát năm 1930, Ea Nao năm 1934, so với Ankroet năm 1945). Cuối cùng, kể về độ bền thiết bị thì tua-bin + máy phát của nhà máy thủy điện Bàu Cạn là bền nhất, trên 72 năm vẫn còn đang vận hành.

Pleiku, 15-12-2022 Nguyễn Quang Hiền, nguyên PGĐ Cty Điện Lực Gia Lai.

Nhà máy thủy điện Suối Vàng – Ankroet Đà Lạt (Ảnh NQH)

Sơ đồ HT thủy năng nhà máy thủy điện Ankroet (trên tường phòng điều khiển của nhà máy - Ảnh NQH).

Nhà máy thủy điện của mỏ vàng Bồng Miêu (nửa trên) – Quang cảnh tại mỏ.

Hình trên trang 1 báo Grand Écho du Nord de la France, 26-8-1932, Au pays d’Annam

Đập thủy điện Tà Sa (Cao Bằng) –  Sylvain Lévi, Indochine 1931

Tua-bin nhà máy thủy điện Bàu Cạn Pleiku sản xuất năm 1949, đến 2022 vẫn đang vận hành (Ảnh Nguyễn Quang Hiền)


GỬI GÓP Ý / BÌNH LUẬN