Tản mạn về chặng đường phát triển SBA (02/01/2003 - 02/01/2019)

Võ Anh Tuấn   02/01/2019   1513   0

Về nguồn vốn cho các dự án

 

Vậy là Công ty Cổ phần Sông Ba (SBA) đã hơn mười lăm năm hình thành và phát triển, một quãng thời gian, một chặng đường chưa dài, nhưng lại là những năm tháng cực kỳ gian khó, phát triển và trưởng thành của SBA và sẽ không bao giờ quên được.

 

Nhớ lại những ngày đầu đi tìm vốn cho dự án thủy điện Khe Diên, công suất 09 MW tại tỉnh Quảng Nam, công trình đầu tiên được SBA đầu tư xây dựng với vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng, bài toán vốn cho dự án vô cùng nan giải. Một trong những nguồn vốn mà SBA tiếp cận là Ngân hàng JBIC (Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản). Khi biết được Ngân hàng này cho Công ty Điện lực 3 (PC3) vay vốn để cải tạo hệ thống điện đô thị cổ Hội An và các dự án thủy điện, Công ty đã đề xuất đưa dự án Khe Diên vào danh mục xin vay vốn. Khi đi làm việc với Văn phòng đại diện ngân hàng JBIC tại Hà Nội, tôi lúc đó là chuyên viên phòng Đối ngoại PC3 và một chuyên viên phòng Thủy điện tham gia Đoàn công tác, chúng tôi đã đưa ra những ưu điểm của dự án, trong đó ưu điểm thuyết phục nhất là dự án không yêu cầu giải phòng mặt bằng, tái định canh –  tái định cư, một trong những trở ngại lớn mà các Ngân hàng quốc tế thường cân nhắc rất kỹ, thận trọng khi chấp thuận cho vay đối với các dự án thủy điện. Rất tiếc là Ngân hàng JBIC chỉ đồng ý cho vay dự án cải tạo hệ thống điện đô thị cổ Hội An, một di sản minh chứng cho quá trình giao thương, buôn bán và giao lưu văn hoá giữa người Việt và người Nhật vào một thời kỳ sầm uất, phồn thịnh cách đây hơn 04 thế kỷ.     

 

Rồi đến việc đi tìm nguồn vốn tiếp tục đầu tư công trình thủy điện Krông H’năng 

 

(64 MW) với vốn đầu tư trên 1.400 tỷ đồng! Năm 2007 nắm bắt dòng vốn trong xã hội tăng nhanh, ngày 01/8/2007 Công ty đã quyết định chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần, vốn điều lệ 500 tỷ đồng với hai cổ đông sáng lập là Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung - EVNCPC) và Tổng công ty Xây lắp Điện Việt Nam (VNECO). Cơn bão tài chính năm 2008 đã khiến việc góp vốn điều lệ của Cổ đông không mấy thuận lợi và bất lợi lớn khi đến tháng 12/2008, Cổ đông sáng lập VNECO xin rút không còn là Cổ đông sáng lập, tình hình tài chính SBA vô cùng khó khăn. Để có nguồn ngoại tệ mua sắm thiết bị nhà máy, Công ty đã làm việc với các cơ quan thuộc Bộ Tài chính để tìm nguồn vốn vay từ NIB (Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu). Công ty đã nhiều lần làm việc với các Đoàn công tác của Ngân hàng NIB tại Công ty và công trường TĐ Krông H’năng để Ngân hàng NIB nắm bắt tình hình thi công và DTM của công trình để quyết định cho vay vốn cũng như đàm phán với Tập đoàn GE để mua sắm thiết bị cho nhà máy. Khi đã khai thông được nguồn vốn và đi vào đàm phán chi tiết với GE về việc cung cấp thiết bị rồi thì lại vướng quy định chỉ định thầu (theo Luật đấu thầu, dự án TĐ Krông H’năng phải được sự cho phép của Quốc hội). Vậy là Công ty lại làm việc với 05 Ngân hàng tại tỉnh Phú Yên để thu xếp vay 533 tỷ đồng. Khi đàm phán ký hợp đồng vay vốn, phía Ngân hàng yêu cầu SBA phải thuê luật sư đi cùng SBA để tư vấn luật cho hợp đồng vay vốn. Tôi có nói đùa với anh Luật sư đi cùng rằng các điều kiện của hợp đồng vay vốn đã buộc SBA hết mọi chỗ rồi, chỉ còn Tổng giám đốc là còn tự do thôi thế mà còn yêu cầu tư vấn của luật sư nữa!

 

Và khi mới giải ngân được 34 tỷ đồng từ nguồn vốn này, lại bị không tiếp tục giải ngân! Trong cái rủi có cái may, Công ty đã kịp thời nắm bắt cơ hội vay vốn bổ sung 683 tỷ đồng và 6,8 triệu USD từ nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh NHPT Phú Yên với lãi suất cố định 6,9% cho vốn vay mua thiết bị nhập khẩu và 8,4% cho vốn vay xây dựng công trình. Nếu không có quyết định kịp thời này thì chắc chắn công trình Krông H’năng không biết khi nào sẽ hoàn thành và SBA có nguy cơ bên bờ “phá sản” khi ở vào thời đoạn kinh tế đất nước rất khó khăn, lạm phát cao, các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay trên 20%/năm!

 

Về con người, văn hóa và định hướng phát triển

 

Sau khi công trình thủy điện Krông H’năng hoàn thành, một vấn đề lớn phải giải quyết là công tác sắp xếp lại đội ngũ CBNV từ Ban Quản lý dự án. Đối với những ai đã từng làm việc tại các Ban quản lý công trình thủy điện thì sẽ rất hiểu tâm trạng vô cùng lo lắng của CBNV về công ăn việc làm trong thời đoạn cuối của công trình. Nhưng SBA đã thu xếp, bố trí công việc cho toàn bộ CBNV từ Ban Quản lý về, không một ai phải thôi việc. Công ty đã động viên CBNV tận dụng thời gian này để tự học, tự nghiên cứu, tích lũy hành trang tri thức chuẩn bị cho chặng đường phát triển tiếp theo.

 

Một hướng phát triển mới của Công ty được mở ra khi vào tháng 04 năm 2014, Trung tâm Tư vấn và Kiểm định an toàn đập được thành lập với toàn bộ nhân sự từ Phòng Kỹ thuật để tự thực hiện một số công tác của Công ty và vươn ra thực hiện Dịch vụ tư vấn thuê nhằm tối ưu hóa nguồn nhân lực, giữ chân người lao động có năng lực, cải thiện thu nhập cho người lao động. Nhờ lấy uy tín, chất lượng làm tiêu chí hàng đầu nên SBA đã từng bước xây dựng được niềm tin của khách hàng địa bàn miền Trung và Tây Nguyên. Tổng giá trị các hợp đồng tư vấn ký được từ 2016 đến 2018 là 23,55 tỷ đồng. Thương hiệu SBA đã được khẳng định trên thị trường.

 

Thủy điện luôn bị lên án là “tội đồ” khi mùa mưa lũ về nhưng lại không trân quý   ưu điểm của thủy điện khi nắng hạn kéo dài, nhất là tại khu vực miền Trung đầy nắng và gió. Nếu không có thủy điện thì lấy đâu ra nước phục vụ sinh hoạt cho người dân và phục vụ sản xuất nông nghiệp?  Làm sao để vận hành hiệu quả hai nhà máy thủy điện khi bị ảnh hưởng khô hạn nghiêm trọng của hiện tượng El Nino hay trong lũ lụt mà không để xảy ra hậu quả cho đồng bào hạ du, chính quyền địa phương yên tâm mỗi khi hồ xả lũ và tích được nước đầy hồ để vận hành phát điện và chống hạn cho hạ du? Đó là những câu hỏi mà ngay từ năm 2010, Công ty đầu tư nghiên cứu và các sáng kiến đã ra đời: Sáng kiến đo mưa trên toàn lưu vực hồ Krông H’năng để dự báo vận hành xả lũ tại NM Krông H’năng; Giải pháp xả lũ êm và hợp lý; Sáng chế thiết bị đo mực nước hồ cấp độ chính xác đến mm và trong tháng 11/2018 các thiết bị đo mực nước hồ được nâng dải đo đến 0,1mm và dải đo 1mm được lắp đặt lần lượt tại thượng lưu và hạ lưu đập NM thủy điện Lai Châu đã vận hành ổn định, hiệu quả, ghi lại “dấu ấn Đà Nẵng” tại vùng Tây Bắc của tổ quốc.

 

Với chiến lược phát triển SBA bền vững hướng đến “trị thủy” thời kỳ 4.0, đem lại sự bình yên cho đồng bào vùng hạ du, chung tay xây dựng cộng đồng, SBA đã và đang triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh như: “Vận hành xả lũ liên hồ trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn” tỉnh Quảng Nam, “Vận hành xả lũ liên hồ trên lưu vực sông Ba” tỉnh Phú Yên hướng đến nghiên cứu Vận hành xả lũ các hệ thống sông trên cả nước; Đăng ký các đề tài nghiên cứu “Chống xói lở, xâm thực cho biển Đà Nẵng”, “Chống xâm nhập mặn cho nhà máy nước Cầu Đỏ” để cấp nước cho thành phố Đà Nẵng và nhiều nghiên cứu khác.                                      

 

http://songba.vn/UserFiles/image/SongBa/2018/T01/kn15n07ldsba.jpg

 SBA đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Công ty

 

Để SBA trưởng thành như hôm nay, một nhân tố có tính quyết định đó là SBA đã xây dựng được Văn hóa SBA trong đó Công ty luôn tạo môi trường làm việc dân chủ, CBNV coi Công ty như nhà của mình, mọi người cùng chung chí hướng vì mục tiêu phát triển Công ty bền vững, mỗi một cá nhân đều được khuyến khích, động viên lao động sáng tạo, được tự do bay lên với hoài bão, ước mơ bằng chính đôi cánh trí tuệ của mình; Công ty đã xây dựng được đội ngũ CBNV gắn bó lâu dài với SBA trong điều kiện làm việc trước đây còn nhiều khó khăn, lương lại thấp; nổi bật nhất là tinh thần đào tạo, tự đào tạo, dìu dắt nhau giữa các thế hệ trong Công ty. Tôi chưa thấy nơi nào mà Tổng Giám đốc Công ty lại tâm huyết tự đúc kết những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành của mình để thông qua những đợt đào tạo ngắn ngày cũng như tại các cuộc họp giao ban tháng truyền đạt lại cho các Trưởng, Phó đơn vị và một  số chuyên viên tiềm năng từ cách viết văn bản, xây dựng Tầm nhìn, Quản lý và Xử lý công việc đến Phương pháp logic giải quyết công việc; xác định Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cá nhân và đơn vị...; từ đó các Trưởng đơn vị tự mình nâng tầm và đào tạo lại nhân viên của mình. Với truyền thống đạo lý của dân tộc “bán tự vi sư, nhất tự vi sư”, tôi nghĩ Công ty cần tri ân “Người thầy thầm lặng” này nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam!  

 

Từ ngày đầu thành lập Công ty, lúc đó chỉ có 03 người, văn phòng Công ty chỉ là 01 căn phòng nhỏ trên tầng nhà để xe của PC3, rồi tiếp theo là những lần thuê nhà để làm văn phòng làm việc để đến năm 2014 SBA mới có được “ngôi nhà chung” của mình, nhưng ngôi nhà này ngày càng trở nên chật chội rồi: SBA đang không ngừng phát triển. Trước những thách thức và cơ hội trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, SBA có kịp thời nắm bắt cơ hội vượt qua thách thức để trở thành một Tập đoàn kinh doanh đa ngành trong 15, 20 năm đến hay không? Tôi hy vọng vì mọi chuyện đều có thể! 

 


GỬI GÓP Ý / BÌNH LUẬN