KHẲNG ĐỊNH TRÍ TUỆ VÀ BẢN LĨNH TRONG NHỮNG GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN

Phan Đình Thạnh   24/11/2017   1185   0

KHẲNG ĐỊNH TRÍ TUỆ VÀ BẢN LĨNH TRONG NHỮNG GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN



Nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập SBA - Phan Đình Thạnh



Công ty Cổ phần Sông Ba thành lập ngày 02/01/2003, với vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng từ nguồn vốn góp của Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) và Công ty xây lắp điện 3 (nay là Tổng Công ty Xây dựng điện Việt Nam), mục tiêu là đầu tư xây dựng Công trình thủy điện Krông H'năng tại địa bàn tỉnh Đăk Lăk và Phú Yên.



Với nguồn vốn ít ỏi so với Tổng dự toán xây dựng công trình gần 1.400 tỷ đồng, lực lượng cán bộ, nhân viên chỉ có 3 người, chưa có kinh nghiệm trong quản lý đầu tư xây dựng công trình thủy điện. Do vậy, năm 2003 Hội đồng thành viên, lãnh đạo Công ty quyết định đầu tư xây dựng Công trình thủy điện Khe Diên (9MW tại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) với mục đích lấy ngắn nuôi dài, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để đầu tư xây dựng cho Công trình thủy điện Krông H'năng.



Ngày 19/05/2005, Công trình thủy điện Krông H'năng được khởi công xây dựng. Với nguồn vốn còn chưa rõ ràng (từ đóng góp của 2 Công ty sáng lập và vốn vay của ngân hàng) và lực lượng CBNV mới có một ít kinh nghiệm từ quá trình đầu tư xây dựng CTTĐ Khe Diên, SBA vẫn tự tin sẽ đưa công trình vào vận hành phát điện vào cuối năm 2009! Mặc dù đã có sự chuẩn bị, sẵn sàng giải quyết những vấn đề phát sinh thường gặp trong quá trình đầu tư xây dựng, nhưng những vấn đề xảy ra trong thực tế thực sự nằm ngoài dự kiến và là những vấn đề nan giải, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ. Nếu không hiểu sâu chuyên môn, tinh thần trách nhiệm lớn lao và bản lĩnh thì không thể vượt qua, chi phí đầu tư sẽ vượt tổng dự toán rất nhiều và đặc biệt là tiến độ đưa công trình vào vận hành sẽ chậm trễ tính bằng năm.



Một số ví dụ cụ thể sau sẽ làm rõ cho điều đó:



Đầu tiên, phải kể đến vấn đề thiếu trữ lượng đất đắp đập, phải điều chỉnh thiết kế kết cấu đập dâng từ đập đồng chất sang đập nhiều khối. Theo thiết kế của đơn vị tư vấn Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 4 (PECC4), đập đất được thiết kế có kết cấu đồng chất với khối lượng 3,2 triệu m3, đất được khai thác từ mỏ đất 4a với trữ lượng đã được đánh giá từ giai đoạn lập dự án đến BVTC là gần 4,70 triệu m3, mỏ đất cách đập 5,5 km. Đập bắt đầu đắp từ tháng 5/2007, đến tháng 6/2008 các đơn vị thi công đã khai thác gần hết diện tích mỏ đất 4a nhưng chỉ đắp được hơn 600.000 m3 thì hết đất cùng loại. Việc đắp đập đất đồng chất không thể tiếp tục thực hiện được vì đầm nện không thể đạt chỉ tiêu dung trọng khô đã thiết kế. SBA đã yêu cầu PECC4 khảo sát đánh giá lại trữ lượng và chất lượng mỏ đất đắp 4a. Kết quả PECC4 đề nghị vẫn giữ nguyên thiết kế kết cấu đập đồng chất và phải mở rộng quy mô mỏ đất 4a, cộng với bổ sung mỏ đất mới 109 ha.  Điều nầy đồng nghĩa với việc sẽ tốn chi phí đền bù khoảng 9,7 tỷ đồng và kéo dài thời gian thêm từ 2 năm đến 3 năm tương ứng với thiệt hại khoảng 300 tỷ đồng từ doanh thu phát điện, tăng chi phí lãi vay và căng thẳng hơn là không có tiền trả nợ vay đến hạn.



Trước vấn đề phức tạp, khó khăn to lớn đó, SBA đã nghiên cứu tìm giải pháp và thuê các chuyên gia ngành Thủy lợi - Thủy điện của Công ty Tư vấn Xây dựng thủy lợi 1 (HEC1) và các chuyên gia độc lập để tìm hướng đi khác. Nhóm chuyên gia đã nghiên cứu và đề xuất giải pháp điều chỉnh thiết kế đập dâng từ kết cấu đập đồng chất sang đập nhiều khối đổ, theo đó sẽ sử dụng tối đa vật liệu đất từ mỏ đất đang khai thác để không mở mỏ đất mới, đặc biệt là hạn chế việc phải đền bù giải phóng mặt bằng và không làm trễ kế hoạch tiến độ phát điện được duyệt của dự án. Quyết định việc nầy không hề dễ dàng khi thay đổi kết cấu một hạng mục quan trọng nhất của dự án. Với tinh thần trách nhiệm to lớn, quyết đoán, sau khi đã nghiên cứu, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng mọi vấn đề, Ban Lãnh đạo Công ty đã báo cáo và thuyết phục Hội đồng Quản trị Công ty đồng ý để tổ chức thi công theo phương án thiết kế mới. Trong khi chờ quyết định của Hội đồng quản trị, Công ty đã cho khai thác 150.000 m3 cát trong lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ (để chuẩn bị cho việc đắp đập) trước thi hồ thủy điện nầy tích nước. Kết quả, hạng mục công trình đã về đích đúng kế hoạch và qua 7 năm vận hành, theo dõi quan trắc, cho thấy đập hoàn toàn đảm bảo an toàn và ổn định.




 

Thi công đắp đập dâng

 



Kế tiếp là thay đổi kết cấu dầm, cột nhà máy từ bêtông cốt thép truyền thống sang kết cấu thép. Theo kế hoạch, tháng 3/2009 chuyến hàng thứ 4 bao gồm các cấu kiện tuabin, máy phát sẽ được nhập chuyển về công trình để tổ hợp, lắp đặt cho mục tiêu phát điện tổ máy đầu tiên vào cuối năm 2009. Tuy nhiên, phần xây dựng nhà máy đã bị chậm tiến độ, đến thời điểm tháng 12/2008 bêtông gian máy, gian lắp ráp chỉ thi công đến cao trình 135,5m. Theo bảng tiến độ lập lúc đó, đến tháng 10/2009 thì phần xây dựng mới đủ điều kiện lắp đặt cầu trục để phục vụ tổ hợp thiết bị, như vậy thời điểm phát điện tổ máy đầu tiên sẽ bị chậm 04 tháng so với kế hoạch. Giải quyết khó khăn trên, SBA đã tìm biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công bằng cách mời thêm nhà thầu Công ty xây dựng 41 vào thi công song song với Nhà thầu VNECO 1 đã thi công trước đó, yêu cầu các Nhà thầu tăng nhân lực, tổ chức thi công tăng ca. Giải pháp nầy đã giải quyết được bài toán chậm tiến độ trước đó, tuy nhiên sẽ vẫn không đạt được kế hoạch phát điện vì việc xây dựng còn phụ thuộc nhiều vào công việc thi công bêtông trụ, dầm đỡ ray cầu trục và cần phải tuân thủ thời gian chờ bêtông đông kết đạt cường độ theo quy định. Trước tình thế đó, Ban Lãnh đạo Công ty đã suy nghĩ, nghiên cứu và đưa ra giải pháp mà trước đó chưa có công trình thủy điện nào ứng dụng, đó là thay đổi kết cấu dầm, trụ cột nhà máy từ bêtông cốt thép truyền thống sang kết cấu thép tiền chế. Phương án sử dụng kết cấu thép sẽ giải quyết được bài toán tiến độ vì việc chế tạo có thể chủ động thực hiện trước, sẵn sàng lắp dựng hoàn thiện trong vòng 15 ngày sau khi phần xây dựng xong mặt bằng đến sàn lắp ráp. Vì kết cấu dầm, trụ bằng thép, cộng với tải trọng từ cầu trục gần 200 tấn (bao gồm thử tải tĩnh và trọng lượng bản thân cầu trục), khi vận hành sẽ rung lắc hơn nên SBA đã phải nghiên cứu giải quyết thêm vấn đề liên kết giữa khung trụ và tường gạch xây bao đảm bảo không bị nứt do kết cấu thép có chuyển vị lớn.



Và rồi kết cấu phần nổi gian lắp ráp, gian máy hoàn thành đúng kế hoạch, sớm 4 tháng so với nếu thi công bằng bêtông truyền thống. Việc cầu trục được lắp đặt sớm, gian tổ hợp có mái che đã đảm bảo cho việc thi công tổ hợp rotor tổ máy H1 và có không gian để tập kết các thiết bị điện, giúp tiết kiệm chi phí vì không phải đầu tư xây dựng mở rộng thêm kho bãi bảo quản thiết bị. Qua quá trình thử tải, quá trình cẩu lắp thiết bị và vận hành sử dụng trong 7 năm qua, toàn bộ hệ kết cấu khung thép, cầu trục làm việc bình thường, tường bao che không bị nứt. Đây là giải pháp kết cấu hiệu quả để các dự án thủy điện khác sau nầy tham khảo, ứng dụng cho mục đích đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

      
Thi công lắp dựng kết cấu khung thép nhà máy



Tiếp đến là vấn đề xử lý hư hỏng stator tổ máy H1 bị sự cố ngày 17/3/2010. Đây là giai đoạn nước rút đưa 2 tổ máy vào vận hành, đồng thời với kế hoạch sẽ niêm yết cổ phiếu SBA trên sàn chứng khoán HOSE dự kiến vào tháng 06/2010. Sự cố nầy do nguyên  nhân từ việc thi công bất cẩn của Nhà thầu lắp máy, sự chủ quan của cán bộ kỹ thuật SBA và cả chuyên gia Nhà thầu cung cấp thiết bị, dẫn đến 3 thanh dẫn stator bị cắt hỏng, phần tole từ lõi thép stator bị cào ép tổn thương nặng. Ngay sau đó, SBA đã tổ chức đến 3 cuộc họp liên tiếp với Nhà thầu cung cấp thiết bị, Nhà thầu lắp máy để bàn phương án xử lý sửa chữa. Kết quả của các cuộc họp nầy, Nhà thầu cung cấp thiết bị đề nghị phải chuyển stator về nhà máy chế tạo tại Trung Quốc để sửa chữa, thời gian sửa chữa đến 6 tháng, với chi phí không dưới 10 tỷ đồng.



Đứng trước tình thế đó, SBA đã chỉ đạo tập trung ưu tiên lắp đặt tổ máy H2 đưa vào vận hành trước để thu được tiền, không lãng phí nguồn nước về hồ. Song song đó, SBA đã tổ chức các cuộc họp, mời các kỹ sư, chuyên gia có nhiều nhiều kinh nghiệm đến từ Trường ĐHBK Đà Nẵng, Công ty Cổ phần thiết bị điện Đông Anh và nhiều chuyên gia độc lập khác, cuộc họp đưa ra giải pháp sẽ sửa chữa stator ngay tại công trình, không cần phải chuyển về nhà máy của NSX. Với giải pháp đó, Nhà thầu cung cấp thiết bị không thống nhất và cho rằng sẽ không sửa chữa được, mọi vấn đề sự cố xảy ra do việc sửa chữa nầy SBA phải tự chịu trách nhiệm. Với sự chắc chắn về kỹ thuật, SBA đã quyết định thực hiện bởi chính đội ngũ công nhân của SBA thi công và đã thực hiện thành công. SBA đã chủ trì về kỹ thuật, tổ chức thi công và thời gian sửa chữa chỉ tốn gần 45 ngày kể cả công tác thí nghiệm cao thế, chi phí  sửa chữa chưa đến 500 triệu đồng. Qua 7 năm vận hành, so sánh tổ máy H1 với tổ máy H2 thì thông số vận hành của 2 tổ máy là tương đương nhau, tổ máy hoàn toàn vận hành an toàn, tin cậy.


 
 

SBA tổ chức sửa chữa stator tại công trình 3 thanh dẫn và tôn từ stator bị hư hỏng
Sửa chữa stator tổ máy H2 bị sự cố

  



Một vấn đề nữa đã xảy ra vào đúng giai đoạn vận hành thử nghiệm các bước cuối cùng để đưa 2 tổ máy vào vận hành, đó là sự cố hư hỏng 04 bộ servomotor điều tốc 2 tổ máy. Mặc dù SBA, Nhà thầu lắp máy, Nhà thầu cung cấp thiết bị đã cẩn thận từng bước công việc kể từ khi xảy ra sự cố stator tổ máy H1 trong tháng 3/2010, nhưng từ tháng 3/2010 đến tháng 5/2010 liên tiếp đã xảy ra sự cố làm hư hỏng 4 bộ servomotor của cả 2 tổ máy. Các bên đã rất “đau đầu” trong việc xác định nguyên nhân, giữa Nhà thầu lắp máy và Nhà cung cấp thiết bị đổ lỗi và đổ trách nhiệm cho nhau. Các bộ servomotor đã bị hư hỏng hoàn toàn bộ phận pittông và một phần xylanh. Nhà thầu cung cấp thiết bị đề nghị chuyển các bộ servomotor về Nhà máy chế tạo tại Trung Quốc để sửa chữa, chi phí 400 triệu đồng/bộ, thời gian sửa chữa 3 tháng / tổ máy.



SBA đã họp nội bộ CBNV để đánh giá và bàn phương án sửa chữa, theo nhận định của SBA, nguyên nhân hư hỏng một phần là trong hệ thống đường dầu áp lực có vật bẩn gây hại, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sai lệch vị trí trong quá trình lắp đặt trước đây của phần đế đỡ, dẫn đến phá hỏng hàng loạt khi vận hành thử nghiệm. Tại cuộc họp giữa 3 bên đã thống nhất, để đảm bảo sớm đưa các tổ máy vào vận hành, SBA sẽ tự tổ chức sửa chữa các bộ servomotor trong vòng 2 tuần. Ngay sau cuộc họp, SBA đã vận chuyển các bộ servomotor hỏng về Đà Nẵng để sửa chữa, các CBNV của SBA đã hết sức nỗ lực nghiên cứu, vẽ điều chỉnh lại kết cấu, tự mua sắm vật tư, trực tiếp điều hành kỹ thuật gia công chế tạo đồng thời tại nhiều chỗ gia công cơ khí khác nhau. Quá trình nghiên cứu vẽ lại kết cấu, SBA đã phát hiện ra nhược điểm của kết cấu và đã mạnh dạn thay đổi. Qua gần 15 ngày làm việc tăng ca liên tục cả ngày lẫn đêm, 02 bộ servomotor cho tổ máy H2 đã được chế tạo, sửa chữa xong. Khi lắp đặt trở lại, SBA đã nói với DEC là kết cấu của họ không hợp lý, dẫn đến hư hỏng và SBA đã cải tiến lại kết cấu, sẽ chịu trách nhiệm. DEC đã không đồng ý và họ đề nghị sẽ cấp lại 02 bộ servomotor mới với kết cấu như đã chế tạo trước đó để chứng minh cho sự đúng đắn của mình.



Sau khi lắp đặt 04 bộ servomotor do SBA tự sửa chữa, 2 tổ máy đã được vận hành thử nghiệm từng bước cẩn thận và đã vận hành thử thách mang tải liên tục 72h thành công vào ngày 25/6/2010 đối với tổ máy H2 và vào ngày 05/9/2010 đối với tổ máy H1. Thành công từ việc nghiên cứu điều chỉnh thiết kế kết cấu và tự tổ chức gia công chế tạo đã làm cho các chuyên gia của Nhà cung cấp thiết bị “tâm phục, khẩu phục”. Theo như kết luận cuộc họp trước đó, đến tháng 5/2011 Nhà thầu cung cấp thiết bị mới cung cấp lại 02 bộ  servomotor để thử nghiệm, kiểm chứng xác định nguyên nhân hư hỏng. Tuy nhiên khi vận chuyển đến công trình, SBA đã đề nghị tháo kiểm tra bên trong với sự chứng kiến của các bên thì hầu hết kết cấu đã bị điều chỉnh và gần giống như thiết kế cải tạo của SBA đã gia công trước đó. Nhưng lúc đó, Nhà thầu cung cấp thiết bị vẫn không thừa nhận rằng thiết kế của họ có khiếm khuyết và đã đề nghị chế tạo lại 02 bộ nữa để đối chứng. Nhưng rồi họ vẫn điều chỉnh kết cấu na ná như kiểu cũ và vẫn không thuyết phục được SBA. Cuối cùng họ đành đồng ý cấp miễn phí 02 bộ servomotor sản xuất sau cùng nầy để SBA làm dự phòng. 04 bộ servomotor của SBA sửa chữa, cải tiến đã vận hành bình thường từ ngày đó đến nay, đảm bảo tin cậy, an toàn.


 



Tháo bộ servomotor bị sự cố hỏng



Kiểm tra bộ servomotor Nhà thầu cấp mới để kiểm chứng

 


Trong quá trình đầu tư, quản lý xây dựng CTTĐ Khe Diên và Krông H'năng, SBA đã có rất nhiều sáng kiến, giải pháp hợp lý hóa từ thiết kế đến biện pháp thi công, cách thức tổ chức thực hiện, đã giúp đẩy nhanh công việc, đảm bảo tiến độ dự án và giảm chi phí rất lớn. Đặc biệt, tại các thời điểm khó khăn, SBA đã tự lực, tự cường, biết lắng nghe, chắt lọc các ý kiến tư vấn, hỗ trợ  từ các chuyên gia để đánh giá vấn đề một cách xác thực và có những quyết định đúng đắn, kịp thời. Thành công từ những quyết định trong điều kiện áp lực rất lớn đó, đã thể hiện trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh tuyệt vời của SBA. Đã có những tranh cãi gay gắt trong quá trình phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp xử lý vấn đề, nhưng đó là tư duy khoa học. Sau những kết quả mang lại, các đơn vị tư vấn, nhà thầu, các chuyên gia đã rất thán phục, cảm ơn và đánh giá cao những quyết định đúng đắn của SBA và tất cả trở thành bạn bè thân hữu gắn bó trong những năm qua.


GỬI GÓP Ý / BÌNH LUẬN