Trần Ngọc Tuấn 23/11/2017 1236 0
Trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 15 năm thành lập Công ty C.P Sông Ba (02/01/2003-02/01/2018), tôi lại bồi hồi nhớ về những ngày đầu của quá trình xây dựng công trình thủy điện Krông H'năng. Sau ngày khởi công Dự án thủy điện Krông H'năng 19/5/2005, Chủ đầu tư chưa có giấy tờ pháp lý nào tốt nhất ngoài Văn bản số 746/CP-CN ngày 31/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư Dự án làm “giấy phép”. Thời kỳ ấy, tại khu vực đặt công trình Krông H’năng lại là vùng núi giáp ranh của hai tỉnh Đăk Lăk - Phú Yên, dân cư thưa thớt với đặc thù 5 không: Không sổ đỏ, không điện, không quán xá, không giếng và không nhà vệ sinh và chỉ có “trời cao, đất rộng thoải mái để các thi sỹ làm thơ” nên Chủ đầu tư thường bị dân kinh tế mới tứ xứ đến đây quảng canh cắm dùi chiếm đất của dự án đòi hỏi làm khó nhiều thứ. Đôi khi họ còn bị người xấu kích động kéo đông ngưòi về uy hiếp anh em SBA nhưng Ban A cũng phải khôn khéo, nhường nhịn, kiên trì giải quyết. Mọi việc lần lượt ổn thoả vì chủ trương của lãnh đạo Công ty là giải quyết tận tình mọi thiệt hại của người dân với một tấm lòng thực sự, vì họ là đều là dân nghèo.
Giai đoạn đầu, các kỹ sư SBA phải ở tận thôn Tân Lập, xã Ea Ly cách công trình 8 km, ngày ngày phải bắt xe ôm đi vào công trình để giám sát, kiểm kê thiệt hại, đền bù. Chiều tối lại quay về Tân Lập vì không có nhà dân để xin ở nhờ. Sau đó, Công ty đã làm tạm một nhà gỗ nhỏ diện tích khoảng 20 m2 giá thành 10 triệu đồng để làm “Đại bản doanh”. Đây là nơi ăn ở, sinh hoạt và công tác của cán bộ, nhân viên SBA đồng thời là văn phòng làm việc với người dân và chính quyền địa phương các cấp. Những ngày gian khổ ấy, mấy anh em SBA (Ninh, Hoàng, Duy, Chân, Mạo, Thành, Long, Danh, Vũ…) đều vui vẻ, chấp nhận mọi khó khăn, đem nhiệt tình sức trẻ và tinh thần trách nhiệm bám trụ hiện trường để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao từ căn nhà nhỏ đơn sơ ấy.
Tại nơi đây, năm 2006 Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển điện Sông Ba (nay là Công ty C.P Sông Ba) đã tiếp đón Đoàn công tác của Chính phủ do đặc phái viên Thái Phụng Nê dẫn đầu đi kiểm tra việc triển khai Dự án thủy điện Krông H’năng.
Đoàn công tác của Chính phủ do đặc phái viên Thái Phụng Nê dẫn đầu làm việc và kiểm tra tại Dự án thủy điện Krông H'năng – Tháng 6/2006
Để tiếp Đoàn, lúc ấy có ý kiến nên mượn văn phòng của BQL Rừng Ea Sô (cách 22 km) vì chúng ta chỉ có căn nhà gỗ đơn sơ, tuềnh toàng quá, e bất tiện nhưng anh Phong, Giám đốc Công ty, vẫn quyết định đón Đoàn làm việc tại căn nhà gỗ nầy. Mọi người hối hả mượn bàn, tự cưa gỗ gia công đóng sửa lại mặt, chân bàn, ghế họp, hái hoa rừng trang trí và mượn mền để làm khăn trải bàn, dùng điện của máy nổ nhỏ, hoành tráng nhất vẫn là bản đồ tổng thể Dự án thủy điện Krông H'năng in màu để báo cáo. Khi đón Đoàn vào nhà, tôi tinh ý nhận ra những ánh mắt đầy lo lắng của đặc phái viên Thái Phụng Nê và P.Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Phạm Lê Thanh cũng như các quan chức cùng đi vì họ khá bất ngờ trước hoàn cảnh nầy của một Chủ đầu tư một Dự án thủy điện mà vốn đầu tư đến 1.600 tỷ!!. Nhưng chỉ một năm sau đó 2007, Đoàn công tác Chính phủ cũng chính do đặc phái viên của Thủ tướng Thái Phụng Nê dẫn đầu khi đi kiểm tra tiến độ cũng hết sức ngạc nhiên, hài lòng và khen ngợi những nỗ lực của SBA đã triển khai đồng loạt những hạng mục theo tiến độ dự án, chắc là ông cũng liên tưởng đến cuộc họp tại căn nhà gỗ nhỏ năm 2006. Vậy đó, dự án Krông H’năng đầy ắp kỷ niệm như thế từ những ngày đầu.
Văn phòng Ban chỉ huy Công trình thủy điện Krông H'năng 2006
TGĐ Phạm Phong báo cáo ĐPV Thái Phụng Nê về tiến độ triển khai DATĐ Krông H'năng sau 2 năm khởi công
Quay lại những dòng ký ức về Dự án thuỷ điện Krông H’năng trong những ngày đầu trên để mọi người nhìn lại quá trình đó không hề thuận lợi, rất nhiều thử thách khốc liệt nhưng lãnh đạo và CBNV với tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo dũng cảm vượt qua để hôm nay mỗi người chúng ta thật vui mừng khi thấy sự nghiệp Công ty ngày càng phát triển bền vững.
SỰ NGHIỆP LỚN BẮT ĐẦU TỪ NƠI ĐƠN SƠ ẤY
23/04/2024 1468 0
06/02/2024 1184 0
07/08/2023 1984 0
21/12/2022 1337 0
20/12/2022 1154 0
23/05/2018 5914 0
21/12/2021 5440 0
08/09/2022 4729 1
30/10/2020 3224 0
22/10/2020 3168 0