Phạm Phong 07/09/2012 1403 0
Mỗi khi nhắc đến thủy điện thì một vấn đề luôn được quan tâm là công tác đền bù, tái định canh – tái định cư (ĐB, TĐC-TĐC). Có thể nói đây là vấn đề đau đầu nhất cho các nhà đầu tư thủy điện.
Đối với mỗi công trình thủy điện, chi phí của công tác này so với tổng mức đầu tư cho công trình không phải quá lớn. Tuy nhiên, đây là vấn đề mang tính chất khó khăn và phức tạp do ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình An ninh trật tự, phong tục, tập quán và thói quen của đồng bào địa phương; mặt khác, những nơi này thường có trình độ dân trí thấp nên dễ bị các phần tử xấu xúi dục, lợi dụng chính sách của đơn vị làm thủy điện để trục lợi.
Với những tình hình trên, nếu các chủ đầu tư không có những giải pháp thực hiện công tác ĐB, TĐC-TĐC hợp lý thì dễ dẫn đến mất ổn định về an ninh, làm đảo lộn cuộc sống của người dân, chi phí bỏ ra cho công tác này tăng cao nhưng không đạt được mục đích, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Công ty cổ phần Sông Ba là đơn vị đã đầu tư dự án Krông H’năng tại hai tỉnh Phú Yên và Đăk Lăk. Để hoàn thành dự án, Công ty phải di chuyển 176 hộ gia đình tại 4 buôn: Buôn Pa, Buôn Năng, Buôn Hoang, Buôn Zô; diện tích đất bị ảnh hưởng ĐB, TĐC-TĐC lên đến 898,45 ha tại vùng ngập. Toàn bộ khu vực giải tỏa, đền bù là nơi ở của đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí thấp, nông nghiệp chủ yếu là làm nương rẫy, nơi đây đã từng xảy ra vụ gây rối trật tự tại các tỉnh Tây Nguyên vào năm 2004. Đứng trước những vấn đề trên, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, lãnh đạo Công ty nhận thức công tác ĐB, TĐC-TĐC sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp và không dễ thực hiện. Qua 5 năm đầu tư xây dựng công trình và 2 năm nhà máy Krông H’năng đi vào hoạt động ổn định, đã không xảy ra khiếu kiện, cản trở đáng kể nào của người dân thì hoàn toàn có thể khẳng định, công tác ĐB, TĐC-TĐC của Công trình đã thành công tốt đẹp.
Nhân đây, chúng tôi xin nêu một số kinh nghiệm của Công ty trong công tác ĐB, TĐC-TĐC CTTĐ Krông H’năng, hy vọng điều này sẽ đóng góp chút kinh nghiệm cho các chủ đầu tư đang tham gia vào công tác đầu tư các dự án thủy điện để vừa góp phần xây dựng, phát triển kinh tế Đất nước, vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
1. Việc áp giá đền bù: giữa đơn vị xây dựng công trình và người dân khó có tiếng nói chung về việc áp giá đền bù. Do đó, Công ty không hoàn toàn áp dụng rập khuôn theo đơn giá quy định của nhà nước mà có cơ chế áp dụng linh hoạt công tác này, trong đó có sự hỗ trợ thêm cho đồng bào đối với một số đơn giá đền bù còn thấp so với thực tế. Việc đền bù dựa trên sự hợp tác và đồng thuận của người dân, khi có vướng mắc thì mọi cán bộ đền bù của Công ty đều phải trực tiếp đến làm việc và giải thích cho các hộ dân hiểu chính sách của Công ty, đồng thời họ sẽ là cầu nối để đề đạt nguyện vọng của người dân lên lãnh đạo Công ty xem xét, vì vậy các công tác đều được giải quyết thấu tình đạt lý.
2. Công tác tái định cư: khi xây dựng nhà cho đồng bào trong 1 khu tập trung, sẽ dẫn đến mâu thuẫn là nhà do Công ty xây dựng lên không phù hợp với phong tục tập quán và lối sống của đồng bào đã hình thành từ xa xưa đến nay; thực tế thời gian qua cho thấy, một số chủ đầu tư thủy điện xây dựng nhà tái định cư xong thì phải bỏ không do đồng bào không chịu vào ở. Trước tình hình trên, Công ty đã điều chỉnh theo cách không xây nhà cho người dân mà chỉ cấp đất và xây dựng cơ sở hạ tầng cho người dân tự xây dựng theo mong muốn của mình, ngoài ra Công ty còn hỗ trợ phương tiện để vận chuyển nhà, đồ dùng gia đình cho đồng bào đến nơi ở mới nếu hộ gia đình nào chuyển đến khu đất tái định cư trong khoảng thời gian mà Công ty đã thông báo trước. Về diện tích ở, theo quy hoạch ban đầu mỗi hộ dân chỉ được cấp 1000m2 đất ở khu TĐC, tuy nhiên theo nguyện vọng của đông đảo đồng bào địa phương, Công ty đã nỗ lực khai thác và điều chỉnh cấp cho mỗi hộ dân được 2000m2 đất trong khu tái định cư, điều này cũng là một động lực để người dân sẵn sàng chuyển đến nơi ở mới.
Những ngôi nhà mới do đồng bào xây dựng trên đất do Công ty cấp tại các khu TĐC
3. Công tác tái định canh: Công ty thuê đơn vị cải tạo lại phần đất định canh của đồng bào đã được đền bù để phân chia làm đất nông nghiệp cho đồng bào. Do vậy, khi chuyển đến nơi ở mới đồng bào có đất canh tác ngay, tránh được tình trạng đồng bào không có việc làm phải dùng chính số tiền đền bù, hỗ trợ của Công ty để lo toan cho cuộc sống hoặc phải đi phá rừng để làm nương rẫy.
Phần đất đang được cải tạo để làm đất nông nghiệp cho đồng bào
4. Công tác khác:
- Cấp điện cho các khu tái định cư: Để đồng bào sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới, Công ty đã triển khai lắp đặt đường dây điện sinh hoạt đến từng khu dân cư và bắt điện đến từng hộ gia đình. Mặc dù đến tháng 10/2009 đã cơ bản hoàn thành tái định cư, nhưng Công ty vẫn tiếp tục hỗ trợ toàn bộ tiền điện sinh hoạt cho đồng bào đến hết tháng 6/2012, đây cũng là một động lực để người dân tự nguyện và yên tâm khi chuyển đến nơi ở mới.
Điện sinh hoạt được kéo đến từng thôn, Buôn
- Đường sá đi lại cho đồng bào tại các khu tái định cư được quan tâm đúng mức. Hệ thống đường giao thông trong nội Buôn được bê tông hóa, đã được Công ty hoàn thiện trước khi người dân chuyển đến sinh sống, nhiều con đường rất khang trang đảm bảo cho việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn nơi ở cũ.
Đường giao thông tại khu tái định cư
- Giáo dục: Đi đôi với ổn định cuộc sống, công tác chăm lo việc học tập cho con em đồng bào cũng được chú trọng. Công ty xây dựng mới 1 trường cấp 1 với kết cấu 2 tầng khang trang đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cho việc dạy và học; đối với đồng bào khu vực Tái định cư Buôn Zô, việc đi lại học tập của con em còn gặp khó khăn do trường học ở xa nơi sinh sống nên Công ty đã hỗ trợ xây dựng thêm 2 phòng học cho trẻ em tại địa phương để các em không phải bỏ học giữa chừng do phải đi xa; đảm bảo cho các em đều được đến trường, góp phần nâng cao dân trí cho địa phương.
Trường tiểu học mới
- Y tế: Đối với công tác chăm lo sức khỏe, Công ty xây dựng trạm Y tế đặt tại Buôn Năng để tiện cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào của 4 buôn, không phải đi xa.
Trạm Y tế khu Tái định cư
- Cấp nước sinh hoạt: Công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt đến từng cụm dân cư, đảm bảo người dân không phải sử dụng các loại nước sông suối cho sinh hoạt và ăn uống, góp phần bảo vệ sức khỏe cho đồng bào. Nhiều hộ đồng bào trong các khu tái định cư có mong muốn đào giếng riêng Công ty cũng đã giải quyết.
Trụ cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư
- Đời sống văn hóa tại khu dân cư: Công ty xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, đây là nơi sinh hoạt văn hóa xã hội và là nơi thể hiện truyền thống đoàn kết lâu đời của địa phương.
Nhà sinh hoạt cộng đồng của đồng bào
- Phong tục tập quán: Đối với vùng đồng bào dân tộc, các phong tục vẫn còn rất phức tạp, một số vùng còn nhiều hủ tục. Do vậy, các phong tục địa phương như: chuyển về nơi ở mới, làm ruộng nương mới hay di dời mồ mả, … Công ty đã hỗ trợ chi phí cúng cho đồng bào, tuy nhiên để có thể tiết kiệm được những chi phí không cần thiết, Công ty đã vận động đồng bào tổ chức cúng 1 lần cho tất cả các hộ thay vì tổ chức cho từng hộ gia đình theo yêu cầu của người dân, điều này vừa theo đúng phong tục, không làm ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa của địa phương, lại có thể tiết kiệm được chi phí cho Công ty.
Khu nghĩa địa mới của đồng bào
Để làm được những việc làm thiết thực như trên, Công ty thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động các buôn trưởng, các hộ gia đình, lãnh đạo Công ty sẵn sàng đối thoại trực tiếp với đồng bào để hiểu tâm tư nguyện vọng, giúp đồng bào hiểu được lợi ích khi xây dựng công trình cũng như lợi ích của đồng bào khi chuyển đến nơi ở mới từ đó tạo được sự đồng thuận giữa người dân tái định cư với Công ty.
Chính nhờ thực hiện công tác TĐC-TĐC tốt nên tháng 8/2009 đã di chuyển đồng bào về nơi ở mới và đến tháng 10/2009 Công ty có đủ điều kiện chặn dòng, tích nước hồ chứa Krông H’năng.
Công ty tổ chức họp với đồng bào các khu tái định cư
Tổng giám đốc Công ty trực tiếp làm việc và ghi nhận từng ý kiến của đồng bào
Nhìn lại Công tác TĐC – TĐC CTTĐ Krông H’năng, khi đến thăm lại các khu tái định cư mọi người đều khẳng định một điều: người dân các khu tái định cư CTTĐ Krông H’năng có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ; bản làng khang trang, sạch đẹp hơn; các hộ gia đình đều ổn định cuộc sống, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế, dân trí trong vùng được nâng cao hơn. Điều này đã được Ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định trong chuyến thăm và làm việc tại nhà máy Krông H’năng trong tháng 06/2012. Đạt được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo hợp lý của HĐQT, do cách làm đúng đắn của Công ty.
Chính việc làm này đã giúp Công ty nâng cao uy tín, vị thế với bạn bè, đối tác, góp phần vào sự phát triển chung kinh tế xã hội của vùng, đảm bảo an ninh trật tự khu vực, góp phần xây dựng Đất nước phát triển.
23/04/2024 1490 0
06/02/2024 1205 0
07/08/2023 2008 0
21/12/2022 1363 0
20/12/2022 1179 0
23/05/2018 5998 0
21/12/2021 5666 0
08/09/2022 4755 1
30/10/2020 3250 0
22/10/2020 3194 0